ADS 1

5 lý do Microsoft chi 8,5 tỷ USD mua Skype

Microsoft mua Skype với giá kỷ lục 8,5 tỷ USD ~ Nguyễn Hữu Dũng

Hôm thứ Ba 10/5/2011, hãng Microsoft công bố họ đã đồng ý mua lại Skype với giá "khủng" - lên đến 8,5 tỷ USD (~178,5 nghìn tỷ đồng). Vì sao có chuyện bất ngờ này?
CEO của hai hãng, ông Steve Ballmer và ông Tony Bates đã có mặt tại một buổi họp báo để công bố chi tiết của thương vụ này.
Cuối tuần trước, có nhiều nguồn tin cho rằng hãng phần mềm chat voice và video Skype sẽ hợp tác với các đối tác Cisco, Facebook và Google
Skype do Niklas Zennstrom và Janus Friis sáng lập, được eBay mua lại vào năm 2005. Sau đó, do không tìm ra cách tích hợp với hoạt động kinh doanh đấu giá trực tuyến, hãng đã phải bán phần lớn cổ phần cho liên doanh đầu tư gồm các thành viên sáng lập và Silver Lake.
CEO Steve Ballmer của Microsoft (trái) và Tony Bates của Skype tại buổi họp báo.
Skype nổi tiếng nhờ phần mềm chat voice miễn phí trên PC, phần mềm này cũng có tính năng gọi điện thoại giữa máy tính và các mạng điện thoại công cộng (có tính phí). Sau đó, hãng đã thêm tính năng chat video cho phần mềm này, và gần đây hơn là phiên bản cho smartphone.
Microsoft cũng cung cấp một dịch vụ tương tự cho phép khách hàng gọi điện thoại giữa máy tính và mạng điện thoại, có tên là Windows Live Call, và sau đó tiếp tục cung cấp dịch vụ chat, chat voice và chat video Windows Live Messenger.
Mua Skype là việc mà Microsoft cần phải làm. Xét cho cùng, 8,5 tỷ USD trị giá hợp đồng không “thấm tháp” gì với Microsoft, nhưng sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về lâu dài.
Dưới đây là 5 lý do mà Microsoft phải mua Skype:
Tận dụng thế mạnh của Skype

Lý do rõ ràng nhất mà Microsoft phải mua lại Skype là nhằm tận dụng thế mạnh của các giải pháp, dịch vụ Skype.
Microsoft có một công cụ truyền thông hợp nhất chạy trên nền máy chủ, có thể kết nối máy tính với hệ thống mạng điện thoại VoIP, tin nhắn và hội nghị video. Công cụ này trước đây có tên là Communications Server, sau đó được đổi tên thành dịch vụ Lync. Trong khi đó, hãng cũng có một dịch vụ khác là Lync Online, dịch vụ nền tảng đám mây có cùng chức năng.
Skype có một công cụ tương tự là Skype Connect - một dịch vụ cho phép các doanh nghiệp kết nối hệ thống mạng điện thoại của họ đến Skype, để xử lý các cuộc gọi đến và gọi đi. Skype Manager, một công cụ quản lý cho phép các doanh nghiệp quản lý chi phí cuộc gọi.
Việc mua lại Skype giúp Microsoft giành được lợi thế lớn, chống lại sức tấn công mạnh mẽ của Google trên thị trường giải pháp thoại/hội nghị Internet, cũng như sự tấn công của Apple thông qua chức năng Facetime (hội thoại có hình) trên thiết bị di động của họ.
Đẩy mạnh dịch vụ Bing
Microsoft hy vọng sử dụng Skype để đẩy mạnh dịch vụ tìm kiếm Bing. Skype ước tính hiện có hơn 660 triệu người dùng trên khắp thế giới, với 170 triệu người dùng có trả phí hàng tháng. Microsoft dĩ nhiên sẽ tìm cách để “lôi kéo” những người dùng này sang dịch vụ Bing của họ. Hơn nữa, hãng hy vọng sẽ đưa ra một dịch vụ với mô hình kết nối trực tiếp hai chiều Bing-Skype.
Tạo cú hích cho Windows Phone 7
Windows Phone 7 vẫn tỏ ra yếu kém, dù Microsoft đã có nhiều cố gắng. Thỏa thuận giữa hãng này với Nokia dĩ nhiên có ích phần nào, nhưng kết quả thì vẫn phải đợi nhiều năm nữa. Và thỏa thuận này bản thân nó cũng chưa đủ để nền tảng Windows Phone 7 cất cánh.
Thương vụ mua lại Skype có lẽ sẽ giúp Microsoft đẩy mạnh HĐH di động Windows Phone 7. Việc tích hợp Skype vào HĐH này, thích hợp hơn là chạy nó như một phần mềm khách (như Skype cho Android hay iOS), sẽ đem đến cho Windows Phone 7 một tính năng mạnh mẽ mà cả Android và iOS đều không có được.
Không để Skype về tay Google
Microsoft mua Skype không những mang lại nhiều lợi ích, mà còn nhằm giành quyền mua lại hãng phần mềm truyền thông này từ nhiều đối thủ cạnh tranh. Nếu Google mua được Skype thì sẽ thật tai hại cho Microsoft. Thử tưởng tượng Google sở hữu Skype, và tích hợp ứng dụng này với các dịch vụ Google Apps, Gmail, Google Talk và Google Voice... Và cũng thử tưởng tượng Google sẽ tích hợp Skype vào HĐH di động Android của họ. Đó thật là một thảm họa cho Microsoft.
Xây dựng thương hiệu
Lý do cuối cùng mà Microsoft phải mua Skype là để xây dựng thương hiệu của họ. Microsoft thời gian gần đây đã không còn được coi là công ty giàu sáng tạo như Google hay Apple.
Xây dựng thương hiệu không chỉ là một việc mang tính khuếch trương, nó có những lợi ích đáng kể về kinh tế. Nghiên cứu gần đây nhất của Millward Brown về thương hiệu 2011 cho thấy Apple là thương hiệu có giá trị nhất thế giới, trị giá hơn 153 tỷ USD (~3.213 nghìn tỷ đồng). Microsoft đứng thứ năm với giá trị thương hiệu hơn 78 tỷ USD (~1.638 nghìn tỷ đồng). Vì vậy, xét cho cùng, xây dựng thương hiệu có một ảnh hưởng thực sự lớn.

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes