ADS 1

Mạng xã hội, con đường nhanh nhất đến với người hâm mộ

Phương tiện quảng bá hình ảnh

Theo thống kê từ các nhà cung cấp Facebook và Twitter, có khoảng 250 triệu người sử dụng 2 trang mạng này mỗi ngày. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều ngành kinh doanh đã coi đó là một nơi quảng bá hình ảnh chủ đạo, và thể thao không phải là ngoại lệ.

Internet đã mang tới cho các ngôi sao thể thao một cách tương tác hoàn toàn mới với những CĐV, trong khi ngành tiếp thị thể thao cũng bước vào một thời kỳ hoàn toàn mới với sự phổ cập của các trang mạng xã hội. Một trong những ngôi sao đã tận dụng mạng xã hội tốt hơn hầu hết những người khác là hoa hậu của thế giới quần vợt, Maria Sharapova. Nữ VĐV có thu nhập cao nhất thế giới trong vài năm qua đã có hơn 4 triệu NHM trên Facebook.

Sharapova đã khởi động dự án truyền thông đa phương tiện của cô với trang web http://www.mariasharapova.com, rồi sau đó là trang Facebook để giúp các CĐV theo dõi hàng ngày những hoạt động cập nhật liên tục cửa cô cả trong và ngoài sân quần vợt. Đương nhiên, kèm theo đó là cơ hội mua các sản phẩm lưu niệm trực tiếp từ thần tượng của họ.

“Khoảng 2 năm trước, tôi đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của truyền thông xã hội khi thấy có quá nhiều điều diễn ra trên internet”, Sharapova nói với hãng tin CNN. “Tôi khởi động trang web đầu tiên năm 2008”. Số người theo dõi trang Facebook của Sharapova đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua và bằng tổng số NHM của các đối thủ nữ trong làng banh nỉ như Venus, Serena Williams, Ana Ivanovic và Caroline Wozniacki cộng lại, bất chấp việc tay vợt người Nga này đã vắng mặt khá dài trong mùa giải vừa rồi vì chấn thương.
Giao diện trang cá nhân của Sharapova
Tất nhiên, Sharapova không phải là VĐV duy nhất nhận ra sức mạnh của các mạng xã hội trong việc giúp lan tỏa hình ảnh. Thống kê của trang mạng kinh doanh media-business.biz cho thấy dẫn đầu các thương hiệu thể thao trên Facebook hiện giờ là siêu sao bóng đá người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo, với 25 triệu người theo dõi, vượt trên cả những hãng sản xuất đồ thể thao hàng đầu như Converse (17 triệu người theo dõi, hạng 2) hay Adidas (9 triệu người theo dõi, hạng 10) lẫn các đội bóng khổng lồ như Barcelona (14 triệu người theo dõi), Manchester United (13 triệu) hay chính đội bóng chủ quản của Ronaldo là Real Madrid (13 triệu). Facebook hay Twitter, với tư cách các phương tiện tương tác cá nhân, rõ ràng là nơi tuyệt vời để tôn vinh những ngôi sao, hơn là các tập thể. Thế nên, trong Top 10 còn có các ngôi sao như Michael Jordan (10 triệu người theo dõi) hay David Beckham (9 triệu).

Vì sao là mạng xã hội?

Media Business cũng chỉ ra 5 ưu thế tuyệt đối của các mạng xã hội so với những hình thức giao tiếp truyền thông khác. Thứ nhất là tính tiện dụng khi Facebook và Twitter cho phép các ngôi sao thể thao gửi tin nhắn cho toàn thể NHM của họ qua máy tính, điện thoại di động hoặc iPad khi họ đang trên xe buýt chở đội, trong phòng thay đồ hay ở nhà. Một khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Dan Zarella còn cho thấy 33% các tin nhắn cập nhật trên Facebook là từ điện thoại di động.

Các trang mạng xã hội cũng có tính thực tế và gần gũi rất cao. Truyền thông chính thống luôn có một dây những biên tập viên khó tính sửa lỗi chính tả, ngữ pháp và bảo vệ cho thương hiệu của tờ báo, bản tin. Trên một phương diện nào đó, nó làm mất đi cảm giác con người, trung thực và nguyên sơ mà chỉ khi đọc các tin nhắn trên Facebook hay Twitter bạn mới cảm nhận được.

Internet và Google cũng đã làm thay đổi cách thông tin qua các trang mạng xã hội, khi bạn có thể tìm ra gần như mọi thông tin và những câu chuyện lý thú về thần tượng của mình, thậm chí cả những chuyện đời tư, thâm cung bí sử, chỉ sau vài giây thay vì phải chờ bản tin thể thao hàng ngày trên truyền hình hoặc đợi báo in mỗi sáng.

Sức lan tỏa cũng khiến các trang mạng xã hội trở nên đặc biệt. Chỉ vài dòng ngắn ngủi trên trang Facebook của các ngôi sao có thể giá trị bằng nhiều bản tin dài trên báo chí, bởi lẽ đơn giản là thông tin sẽ lan đi gần như ngay lập tức giữa những NHM trung thành, không chỉ ở nơi mà ngôi sao đang sinh sống, mà tới khắp mọi ngõ ngách trên thế giới.

Cuối cùng, sức sống lâu bền của các tin nhắn trên mạng xã hội khiến chúng có ưu thế rõ rệt. Một câu chuyện trên truyền hình hay báo chí sẽ bị lãng quên ngay trong ngày hôm sau. Trong khi đó, nếu bạn muốn kiểm tra lại xem ngôi sao ưa thích nhất của mình đã làm gì vào ngày hôm qua, tuần trước, tháng trước hay thậm chí là năm trước, bạn chỉ cần dò tìm trên Facebook, Twitter hay YouTube là sẽ có được kết quả như ý.

Những tác dụng phụ

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Drew Barrand, chuyên gia phân tích của hãng kinh doanh thể thao Sport Industry Group thì các ngôi sao thể thao cũng phải thận trọng không vượt qua lằn ranh khi tương tác với các CĐV. “Mạng xã hội mở ra cánh cửa hoàn toàn mới cho những ai muốn tương tác trực tiếp với các fan của họ. NHM thể thao rất quan tâm đến chuyện đời tư của những ngôi sao và luôn muốn theo dõi người hùng của họ”, Barrand nói, “Nhiều người muốn lợi dụng việc này và giao cho trợ lý của mình chăm sóc các trang mạng xã hội nhằm tăng lượng CĐV. Đặc biệt là với Twitter, nhưng nếu cứ để người đại diện giả vờ làm bạn, sớm muộn các fan cũng phát hiện ra và tác dụng ngược sẽ là rất bất lợi cho những ngôi sao”.

Sharapova từng trải nghiệm điều này và cô hoàn toàn đồng ý. “NHM của tôi không muốn xem quá nhiều quảng cáo trên trang Facebook, nên tôi chủ yếu cố gắng cung cấp cho họ thông tin vui về mình. Tôi kể với họ những gì tôi đang làm, về những chuyến đi, những suy nghĩ của tôi. Tôi cũng kể về những pha đánh bóng và quần áo tôi mặc. Tôi đăng những tấm ảnh của mình và nếu muốn xem thêm họ có thể ghé thăm trang web. Tương tác với các CĐV là rất quan trọng với tôi. Tôi rất biết ơn họ và muốn họ luôn được tiếp cận những thông tin đó”, Sharapova nói.

Vì tính chất cá nhân, sự hiện diện của các ngôi sao quần vợt chiếm ưu thế trên các trang mạng xã hội. Những tay vợt nam hàng đầu Rafael Nadal và Roger Federer đều có hơn 6 triệu người theo dõi trên Facebook. Trang này cũng là nơi quan trọng để họ kêu gọi và tổ chức các chiến dịch từ thiện.

10 VĐV có số fan trên Facebook lớn nhất

Cristiano Ronaldo (bóng đá) - 25 triệu fan
Michael Jordan (bóng rổ) - 10 triệu fan
David Beckham (bóng đá) - 9 triệu fan
Roger Ferderer (tennis) - 8,1 triệu fan
Kobe Bryant (bóng rổ) - 7,6 triệu fan
Rafael Nadal (tennis) - 7,5 triệu fan
Michael Phelps (bơi) - 7,3 triệu fan
LeBron James (bóng rổ) - 7,1 triệu fan
Maria Sharapova (tennis) - 6,9 triệu fan
Valentino Rossi (mô tô) - 6,8 triệu fan

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes