ADS 1

Showing posts with label Mạng xã hội. Show all posts
Showing posts with label Mạng xã hội. Show all posts

Tàu khựa ra mắt mạng xã hội Trà đá quán - Bai đu ở Việt Nam, định làm gì đây?

Một thông tin cho cộng đồng mạng xã hội Việt Nam là gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và giải trí tại Trung Quốc Baidu sẽ chính thức cho ra mắt Mạng xã hội "Baidu Trà đá quán" tại Việt Nam ...

Theo một số diễn đàn, vào ngày 1/7 tới đây, mạng xã hội của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và giải trí tại Trung Quốc Baidu sẽ chính thức ra mắt tại Việt Nam, với tên gọi khá gần gũi - Baidu Trà đá quán.

Trang chủ "Baidu Trà đá quán" với chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược đến ngày chính thức ra mắt. 
Để chuẩn bị cho lần ra mắt này, Baidu đã tổ chức một chiến dịch quảng cáo khá hoành tráng nhằm tạo mới nội dung, đồng thời thu hút một lượng người dùng ban đầu. Theo đó, trong thời điểm chờ ra mắt chính thức, “Baidu Trà đá quán” sẽ có phần quà là 5 chuột Wireless mỗi ngày (riêng ngày cuối cùng là 1 Ipod Shuffle) dành cho những ai lựa chọn được những chủ đề thú vị và gửi về email của Baidu.
Dựa vào thông tin sơ bộ trên trang chủ của Baidu Trà đá quán, có thể thấy rằng mạng xã hội mới này tập trung vào hoạt động thảo luận nhóm của các thành viên, vốn là điều mà chúng ta thường thấy trên các diễn đàn Việt như vOz, Vn-Zoom, Tinhte.... “Baidu Trà đá quán” có thể sẽ cung cấp công nghệ và môi trường để thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, người dùng có thể dễ dàng giao lưu, kết bạn với những người có chung sở thích. Hơn nữa, với những box chưa có chủ, người dùng còn có thể đăng kí quản lí và xây dựng nội dung cho những box này.

Với sự ra mắt của mạng xã hội “mới toanh” này, tham vọng "tổng tấn công" thi trường Internet Việt của Baidu càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Baidu bắt đầu đặt chân vào Việt Nam từ cuối năm 2011 với sản phẩm danh bạ website Hao123, trang hỏi đáp trực tuyến Baidu Hỏi Đáp….; tuy nhiên các sản phẩm này không được Baidu cho ra mắt rầm rộ như “Baidu Trà đá quán”.
Trong khi làn sóng xây dựng mạng xã hội made in Việt Nam đang đi vào thoái trào và hiện tại chỉ còn trụ lại một số tên tuổi như Zing Me, Tamtay, Linkhay,... Và khi mà sự tập trung chú ý của người dùng mạng xã hội Việt đang đổ dồn vào Facebook. Thì liệu một công ty Trung Quốc có thể "làm được điều gì đó" ở Việt Nam?

Theo Genk.vn

Các hình thức tấn công qua mạng xã hội facebook

Chắc hẳn bạn đã bị làm phiền, và có lẽ rất nhiều người đã bị lừa bởi những chiêu trò dưới đây, hãy biết tự bảo vệ mình để tránh khỏi những nguy cơ trên mạng xã hội nhé.


-Sự tin tưởng là một trong những điều được những kẻ tấn công quan tâm trên các mạng xã hội. 
-Có ba hình thức tấn công kinh điển trên các mạng xã hội: phát tán mã độc trá hình dưới các phần mềm hợp pháp, tải về plug-in chứa virus hay qua các bản surveys lừa đảo.
-Trên Facebook: Phát tán link độc, Like-Jaking, Comment-Jacking.
-Các ứng dụng không được lưu trữ trên máy chủ của Facebook. Đây là lí do để các apps là một trong những công cụ tấn công hữu hiệu của kẻ xấu.
Mới đây, hãng bảo mật hàng đầu thế giới Symantec đã chia sẻ với giới công nghệ về những hiểm họa đang “nhăm nhe” tấn công các mạng xã hội; đồng thời giới thiệu công cụ mới của phòng thí nghiệm Norton với tên gọi App Advisor sẽ giúp người dùng ngăn chặn những nguy cơ hiện hữu mỗi phút giây trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Google+ …này.

Tại Hội thảo Đánh giá hằng năm của hãng bảo mật hàng đầu thế giới Symantec được tổ chức vào ngày 19/6 vừa qua, hãng đã công khai chi tiết một số “bí mật thép” đằng sau những hiểm họa hiện hữu từng giây phút trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Google+, đồng thời cũng tiết lộ với mọi người về một dự án bảo vệ người dùng khỏi những nguy cơ đe dọa tiềm tàng như “bom nổ chậm” này!

Dự án này được tiến hành bởi Phòng thí nghiệm Norton với tên gọi hiện tại là Norton App Advisor (NAA). NAA kết hợp dữ liệu giữa phần mềm Safe Web của Norton với dữ liệu API mở của các mạng xã hội để giúp người dùng đánh giá về độ an toàn của các ứng dụng (apps) trên các mạng xã hội. Công cụ này sẽ ngăn chặn việc các ứng dụng độc hại thu thập dữ liệu về người dùng cũng như bạn bè của họ thông qua hoạt động của chính bản thân họ trên các mạng xã hội. Chính điều này được đại diện của Symantec coi như một trong những mối quan tâm lớn về an ninh mạng mà các mạng xã hội cần coi trọng.


Sự tin tưởng là một trong những điều được những kẻ tấn công quan tâm trên các mạng xã hội. Người dùng thường rất “dễ dãi” trong việc tiếp nhận thông tin từ bạn bè của họ thông qua các bài đăng, comment và đây chính là một trong những lỗ hổng được những kẻ tấn công mạng tận dụng, khai thác triệt để. Trên một thế giới “hư hư thực thực” như các mạng xã hội; rất khó khăn để phân biệt giữa những gì được gửi đến từ những người bạn của bạn; và những gì được mang tới từ những kẻ tấn công xảo quyệt”- Nishant Doshi, một trong những thành viên sáng lập nhóm phản ứng nhanh về bảo mật của Symantec nhận định. Ông giải thích rằng, những cuộc tấn công trên các mạng xã hội đa phần sẽ thành công bởi chúng xâm nhập nhanh và sâu vào các mạng xã hội - nói một cách hình tượng thì chẳng khác gì các chủng virus nguy hiểm cả. Những cuộc tấn công thường bắt đầu trên một quy mô nhỏ; nhưng tốc độ lan truyền của chúng rất nhanh.

Về cơ bản, có ba hình thức tấn công kinh điển trên các mạng xã hội. Thứ nhất, những kẻ tấn công phát tán các mã độc “trá hình” dưới các phần mềm hợp pháp và người dùng sẽ bị nhiễm các mã độc này khi “ngờ nghệch” tin theo và tải về các “phần mềm” này để sử dụng. 


Một mối đe dọa khác có thể xảy ra là việc mạng xã hội yêu cầu người dùng tải về các plug-in như Quick Time hay Flash; nhưng tất nhiên, đây chỉ là cái vỏ của các phần mềm độc hại. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ “chiêu trò” này đã xảy ra cách đây vài ngày. Khi một video clip được chia sẻ trên Wall Facebook của người dùng; để xem được clip này, đôi khi họ được đề nghị phải tải về một YouTube Plugin. Núp dưới dạng Plugin của YouTube, virus lây nhiễm vào máy tính sẽ kiểm soát toàn bộ trình duyệt và mọi thông tin sử dụng trình duyệt mà nạn nhân không hề hay biết. Virus này còn lợi dụng tài khoản Facebook của nạn nhân để tiếp tục phát tán video clip trên Tường của bạn bè, lừa họ cài Plugin chứa virus như đã làm với chính nạn nhân. Việc phát tán mã độc theo cách như vậy tạo phản ứng dây chuyền theo cấp số nhân, khiến virus lây lan rất nhanh và để lại hậu quả không hề nhỏ.

Nguy cơ thứ ba mà Doshi đưa ra ở đây là các bản khảo sát (surveys) lừa đảo. Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu bạn điền đầy đủ các thông tin vào một bản khảo sát thông tin cá nhân-mà bạn thấy có vẻ như rất-hợp-pháp; nhưng trên thực tế, chúng sẽ đánh cắp dữ liệu cá nhân của bạn và sử dụng chúng vào những mục đích riêng của những kẻ tấn công. Rất ít người dùng mạng xã hội biết về điều này, hơn nữa, số người bị lừa còn tăng mạnh khi những kẻ tấn công gửi kèm theo bài khảo sát là một món quà nho nhỏ nếu bạn hoàn thành-tất nhiên với điều kiện là bạn phải cung cấp số điện thoại xác nhận và địa chỉ gửi quà cho chúng (để thâu tóm thông tin cá nhân của bạn một cách tối đa).

Theo Giám đốc quản lí sản phẩm của Norton, ông Gerry Egan, những bản khảo sát lừa đảo này sử dụng các biện pháp “marketing” đen để xuất hiện trên các mạng xã hội, thu thập thông tin cá nhân của người dùng và sau đó “chuyển” chúng thành tiền. “Nếu những kẻ tấn công tìm ra các cách lừa đảo hữu hiệu trên các mạng xã hội; trong một thời gian rất ngắn, việc lừa đảo người dùng có thể đi từ những giọt nước nhỏ li ti trở thành một trận lụt với sức càn quét của những con quái thú lớn”.



 
Rất nhiều cư dân mạng Việt Nam đã bị lừa trước thông tin nữ diễn viên phim cấp 3 Nhật Bản Maria Ozawa (ảnh trên) đến Việt Nam.

Trên Facebook, có ba hình thức tấn công phổ biến.

 Hình thức phát tán mã độc quen thuộc nhất có lẽ là việc chia sẻ các đường dẫn (link) tới một website kèm theo những lời mời chào hấp dẫn trên Wall của người dùng (được những kẻ lừa đảo thực hiện bằng tay hoặc phát tán bằng những công cụ tự động). Bằng việc tin theo những lời mời chào này và click vào liên kết, người dùng vô tình đã tạo điều kiện cho kẻ xấu đánh cắp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân của mình kèm theo việc phát tán những status tương tự trên chính tường nhà mình cũng như của những người bạn bè có trong danh sách.

Hình thức tấn công thứ hai có tên gọi là “Like-Jacking”. Đây là hình thức lừa đảo mà trên tường nhà người dùng sẽ xuất hiện các liên kết dẫn họ tới một website yêu cầu phải trả lời một câu hỏi bảo mật dưới dạng các mã Captcha. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một nút “Like” trá hình. Gõ lại mã Captcha này chính là người dùng đã nhấn vào một  nút “Like” trên Facebook, sau đó đăng tải lại chính link này lên Wall của nhà họ. Nếu những người bạn của họ cũng tin theo và click vào, họ cũng sẽ “dính chưởng”!


Hình thức thứ ba có tên Comment-Jaking, tương tự như Life-Jaking; trừ một điểm khác biệt là xuất hiện thêm một hộp comment phía dưới mã Captcha. Khi người dùng comment, mã độc sẽ tự động đăng các liên kết tương tự lên Wall để lừa bạn bè của họ. Những kẻ tấn công sẽ không chỉ sử dụng chính người dùng như một công cụ phát tán các link đen mà còn đổng thời lén lút đăng kí cho bạn sử dụng một dịch vụ phiền phức nào đó mà bạn không hề mong muốn. Egan nói “Đây chính là hai cú đấm trời giáng vào tài khoản Facebook của bạn”.

Trên Twitter, các liên kết độc hại sẽ được phát tán qua các tweets và phản hồi từ các người dùng khác. Doshi cho hay, những kẻ phát tán thư rác có thể đánh cắp thông tin đăng nhập Twitter của một người, và sau đó mạo danh họ gửi cho bạn bè những liên kết độc hại kèm theo những lời mời chào hấp dẫn. Còn Egan cho biết “Một số ứng dụng mang bề ngoài rất bình thường, hợp pháp nhưng thực chất lại là một công cụ hữu hiệu giúp kẻ tấn công cướp quyền sử dụng tài khoản của người dùng”.

Một vấn đề bảo mật nóng mà Egan chỉ ra ở đây, đó là các ứng dụng chạy trên Facebook không được lưu trữ trên máy chủ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Các ứng dụng này nằm ở bất cứ nơi nào mà nhà phát triển ứng dụng mong muốn. Đây chính là lí do khiến cho Facebook không thể tự quản lí được tất cả các ứng dụng xuất hiện trên mạng xã hội của mình; chính điều này khiến cho các ứng dụng-apps trên Facebook vẫn là một trong những công cụ tấn công hữu hiệu của những kẻ xấu trên mạng xã hội.

Tham khảo: CNET

Mạng xã hội giúp bạn kinh doanh như thế nào?


Các mạng xã hội như Facebook, LinkedIn , hay Twitter là những trang có tốc độ phát triển nhanh nhất trên Internet, với số lượng người dùng bùng nổ và các dịch vụ hữu ích, những trang web này không chỉ được dùng vào các mục đích giải trí mà nó còn được phục vụ rất nhiều cho công việc kinh doanh của bạn.
Tìm hiểu Linkedin là gì
Những chuyên viên và quản lý CNTT đều đang sử dụng những mạng sã hội này vào các công việc kinh doanh một cách tích cực, từ việc chăm sóc khách hàng, marketing sản phẩm đến marketing bản thân hay cập nhật những xu hướng trong ngành và tìm kiếm sự tư vấn.

Theo khảo sát mới nhất của trang NetworkWorld trên gần 600 nhà quản lý CNTT, có tới 84% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên sử dụng các mạng xã hội, tăng 68% so với năm trước. Trong số này chỉ có 28% sử dụng mạng xã hội vào các mục đích giải trí.
  • LinkedIn là mạng xã hội phổ biến nhất trong giới IT với 64% trả lời, kế đến là Facebook với 44%, và Twitter với 14%. Tại sao mọi người lại chọn 3 trang web này trong khi có hàng trăm mạng xã hội phổ biến khác?
  • Bán hàng, chia sẻ thông tin: Các tính năng tạo nhóm dẽ dàng trên các mạng xã hội cho phép các công ty tạo các nhóm riêng cho phép nhân viên và khách hàng cập nhật tin tức và chia sẻ thông tin về các dịch vụ và sản phẩm hay các chủ đề có cùng mối quan tâm.
  • Tự marketing: Các mạng xã hội đang làm mờ dần ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể tự đánh bóng hình ảnh của chính mình. Các công ty tìm kiếm các đối tác, nhà tuyển dụng đang tìm bạn vào các vị trí trong công ty, nếu bạn không thể hiện được mình, cơ hộ sẽ trôi qua.
  • Tìm kiếm câu trả lời: Bạn đang tìm kiếm giải pháp cho những câu hỏi hóc búa liên quan đến kỹ thuật? Hãy gửi đến cả 3 trang trên và có câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
  • Cập nhật thông tin, xu thế: Hệ thống feed RSS của bạn có thể đã trở nên quá cồng kềnh. Hãy sử dụng tính năng tùy biến RSS của Twitter để cập nhật những thông tin quan tâm nhất.
Bạn không nhất thiết phải “ngồi” trên các mạng xã hội 24 giờ mỗi ngày mới làm được điều này. Luôn cập nhật hồ sơ thành viên của bạn trên LinkedIn, liên lạc với bạn bè qua Facebook, và thỉnh thoảng trao đổi các chủ đề quan tâm trên Twitter là đủ để giúp bạn có thêm nhiều sơ hội mới hay tìm ra đáp án cho những câu hỏi của mình.

Mạng xã hội và nghệ thuật kinh doanh


LinkedIn ban đầu là một trang web kinh doanh, tới tháng 5/2003 thì chuyển đổi thành một trang mạng dịch vụ xã hội. Từ đó đến nay LinkedIn đã trở thành một mạng xã hội hỗ trợ đắc lực cho công việc kinh doanh.
 
 
LinkedIn: không chỉ là nơi đăng lý lịch kinh doanh
 
Hai năm trước ngay khi nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, Joanna Wiseberg mở công ty Red Scarf Equestion, chuyên làm ra những chiếc túi xách kiểu cách và những mặt hàng xa xỉ khác dành cho những người yêu thích bộ môn cưỡi ngựa.
 
Tuy nhiên, bà Wiseberg đã sớm gặp những người đã mời bà đến để giới thiệu các mặt hàng của bà tại các nơi cao cấp như Liên Hoan Phim Cannes, giải đua xe F1 Monaco Grand Fix và một hội nghị về mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc. Bà nói: ''Hiện tại, Red Scarf Equestion với nền móng tại Toronto đã sẵn sàng cất cánh.''
 
"Việc kinh doanh của tôi như là "ngách trong ngách" và tôi đã mở công ty vào thời điểm có thể nói là tồi tệ nhất'' - Bà Wiseberg nói - "Nó giống việc bạn cố đẩy quả bóng nặng lên ngọn đồi cao."
 
Công cụ của bà là LinkedIn - một mạng xã hội cho các chuyên gia kinh doanh được xem như người anh em họ không mấy nổi bật của Facebook. Nhưng khi bà Wiseberg khám phá ra Linkedln thực tế không chỉ là nơi cho những người tìm kiếm việc làm đăng bản lý lịch của mình mà còn hơn thế nữa. "Tôi sẽ không ở đây nếu không có LinkedIn" - bà nói.
 
 
 
Joanna Wiseberg với những mẫu túi xách dòng Red Scarf Equestrian
 
Đối với bất cứ một cty nào trong ngành kinh doanh mạng xã hội thì không dễ để sống trong cái bóng của Facebook và Twitter. Với 500 triệu người sử dụng kết nối với bạn bè, trao đổi ảnh, video và các bài báo, hoặc giết thời gian vào các trò chơi trên mạng xã hội, Facebook đã "khóa cửa" lĩnh vực này. Về phần mình, Twitter tạo được "ngách" chắc chắn cho những người quan tâm đến việc truyền bá ý nghĩ của họ qua 140 kí tự trong mỗi tweet.
 
Nhưng với khuynh hướng thực tế không hề nao núng của mình, LinkedIn đã có mặt trong các phương tiện truyền thông xã hội. Bất cứ ai có nghề nghiệp, kinh doanh hay có tham vọng trèo lên những bậc thang của cty có thể kết nối với 75 triệu người sử dụng mà phần lớn trong số đó là để tìm kiếm việc làm hoặc tuyển dụng các vị trí mới cho công việc.
 
Nhưng trong năm qua, LinkedIn đã cung cấp một lượng lớn thông tin và các công cụ có thể giúp ích cho người sử dụng của mình, dù họ có làm việc tự do hoặc tại một công ty hay không, nhằm tiến hành nghiên cứu, tìm những khách hàng mới và mở rộng các mối liên hệ và triển vọng kinh doanh của mình. Phần lớn vẫn là miễn phí mặc dù các tính năng cao cấp yêu cầu trả 25, 50 hay 100 đô-la.
 
Với những người học việc ở LinkedIn, bước đầu tiên là tạo một bản lý lịch - giống như một bản lý lịch liệt kê cả học vấn, kinh nghiệm chuyên môn, kĩ năng. Nhưng bản lý lịch trực tuyến khác với bản lý lịch được in trên giấy tờ.
 
Sau đó kết nối mạng như thể LinkedIn là một chương trình thương mại lớn. Tìm kiếm những người bạn biết và mời họ trở thành một phần trong mạng của bạn. Những người sử dụng thường xuyên của LinkedIn nói rằng: một sai lầm thường thấy mà những người mới mắc phải là hạn chế mạng xã hội của họ. Vậy bao nhiêu thì đủ?
 
Không có gì là tuyệt đối nhưng Krista Canfield - một phát ngôn viên của Linkedln - nói rằng: 35 kết nối dường như là con số tối thiểu để tạo nên những đặc tính lan truyền như virus của các mạng xã hội thực sự hữu ích. (Bởi vì trong bất kì mạng xã hội nào, bạn đều không muốn bao gồm cả những người có thể kéo danh tiếng của bạn xuống. Linkendln cho phép bạn làm chệch hướng các lời mời không mong muốn với nút Lưu trữ (Archive). Thế nên không ai biết được họ bị bạn từ chối.)
 
Một khi bạn đã đi đến đây, rất dễ dàng để tìm kiếm việc làm bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm của cty. Nhưng còn có nhiều cách khác để sử dụng nó giúp để giúp cho công việc của bạn hoặc tìm những nguyện vọng kinh doanh khác.
 
Có lẽ, những nơi hữu ích nhất để tìm kiếm là hàng triệu trang web của các công ty mà Linkedln đã chiếu theo. Các trang đó sẽ tiết lộ tên của những người gần đây được thuê hay rời bỏ công ty cũng như những người vừa thay đổi vị trí trong cty.
 
Kết nối và thảo luận kinh doanh sôi nổi nhờ LinkedIn
 
Bạn sẽ không chỉ có thể xác định đúng người mà còn có thể xem được tất cả những người trong mạng kết nối của bạn - các kết nối trực tiếp của bạn và các kết nối của họ - những người bằng cách nào đó đã liên kết được với đúng người trong cty. Ví dụ, tôi đã nghĩ mình hầu như không biết bất cứ ai ở Oracle và đã tìm thấy 245 người trong mạng kết nối của mình hoặc là đang làm việc ở đó hoặc đã từng làm ở đó. Tất cả những liên hệ đều có tiềm năng hữu ích nếu tôi đang tìm việc ở đó.
 
Nếu bạn đặc biệt để mắt đến một cty, có thể là Time Warner, Bank of America hay Procter & Gamble, đó là một ý hay để ''follow'' trang LinkedIn của họ. Cũng giống như khi bạn ''follow'' bạn bè hay các doanh nghiệp trên Facebook hay Twitter, bạn sẽ nhận được những cập nhật mới nhất trong nguồn thông tin (news feed) của bạn. Chúng bao gồm thông tin về các cty và các bài đăng về việc làm, cả các cập nhật khi mọi người được thuê, rời hay chuyển phòng, cũng như bất kì hoạt động nào trong mạng của bạn được kết nối với cty.
 
Các trang web của công cũng tốt cho các loại tìm kiếm khác. Một module gọi là "các công ty liên quan" hiển thị các con đường tìm việc làm điển hình. Ví dụ, trang của Johnson & Johnson cho thấy "người khổng lồ" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thuê nhiều người trước đó đã làm ở Pfizer hơn những người từng làm ở bất cứ cty nào khác. Và khi họ rời cty, những điểm đến phổ biến nhất là Merk và Novartis.
 
Điều đó có thể cho bạn ý tưởng làm thế nào để hoạch định con đường sự nghiệp của bạn hoặc có thể giúp bạn khám phá một chút hiểu biết về công ty. Đó là một bước đệm đến công ty mà bạn muốn dừng lại.
 
 
 
 
 
Các thông tin hữu ích khác về công ty bao gồm tỷ lệ phần trăm các nhân viên nghiên cứu và phát triển hoặc doanh số bán hàng và tiếp thị so với các cty tương tự. Điều đó có thể có ích cho bất kỳ ai đang cố gắng tìm ra những loại cơ hội nào có nhiều khả năng để tiếp cận và có ích trong việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.
 
Các dịch vụ cao cấp cho phép bạn xem được ai đã xem lý lịch của bạn và những từ khóa mà họ dùng để tìm ra nó. Chúng cũng cho phép bạn xem được những bản lý lịch mở rộng của những người ngoài mạng kết nối của bạn hoặc kiểm tra những mối liên hệ về những người mà bạn đang thuê.
 
Nhưng bất kì ai đang cố sử dụng LinkedIn một cách hiệu quả sẽ muốn làm nhiều hơn là chỉ rình mò xung quanh. Chủ động trên các trang web có thể giúp bạn nhận được sự chú ý từ người khác.
 
Những cập nhật trạng thái hoạt động giống như trên Facebook hay Twitter, mặc dù việc cho các mối liên hệ về chuyên môn của bạn biết rằng bạn vừa mới nghỉ việc ở Starbucks có lẽ là không hữu ích. Joe Rosenberg - một kế toán được cộng đồng công nhận ở Florham Park, N.J - nói rằng: Gần đây ông ấy đã dùng cập nhật trạng thái để cảnh báo mọi người rằng hạn cuối cho những người làm việc tự do để lập tài liệu thanh toán thuế ước tính hàng quý sắp đến. "Mọi người đã chú ý đến nó", Rosenberg nói - "Nó có thể là một lời nhắc nhở cho mọi người để gọi cho bạn", ông nói thêm.
 
Ngài Rosenberg cũng thường xuyên trả lời các câu hỏi về vấn đề thuế. Những điều đó cùng với sự tham gia của ông trong các nhóm khác nhau dẫn đến kết quả thu được 10.00 đến 15.000 đô-la từ những khách hàng mới mà ông tìm thấy trên LinkedIn trong năm ngoái - ông nói.
 
Bà Wiseberg cũng có sự tiếp cận tương tự để đưa Red Scarf Equestion phát triển. Bà đã ở trên trang LinkedIn nhiều năm nhưng chưa bao giờ thực sự học học cách sử dụng trang web. Khi bắt đầu công việc kinh doanh, bà bắt đầu tham gia các nhóm liên quan đến lĩnh vực của mình và tham gia vào những cuộc thảo luận về chúng. Bà hiện tại là một thành viên của hơn một tá các nhóm bao gồm Những chuyên gia về phong cách sống và đời sống xa xỉ (Luxury and Lifestyle Professinals), Nhóm những người nghiện lối sống xa hoa (Luxury Addict Group), Từ phụ nữ đến kinh doanh hướng đến phụ nữ (Woman 2 Woman Business) và Những người yêu ngựa trong giới kinh doanh (Horse Lovers of the Business World).
 
Thông qua những sự gia nhập này mà những người khác trong ngành công nghiệp phát hiện ra bà và bắt đầu mời bà đến các sự kiện ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. 
"Tôi phải đi khắp thế giới bởi thị trường ở Canada quá nhỏ", Wiseberg hồ hởi nói.
 

Google, Facebook bị điều tra trốn thuế ở Việt Nam ?

Một số doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu tiếp tay cho các mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube... trốn thuế hoặc khai thấp hơn mức phải đóng. Cục thuế TP HCM đang rà soát tổng thể để xử phạt, truy thu.



Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục thuế TP HCM cho biết ngành thuế đang xúc tiến tìm hiểu xem có bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn làm đại lý cho các mạng xã hội. Việc kiểm tra, thanh tra toàn diện trên quy mô lớn xuất phát từ việc ngành thuế nhận thấy có doanh nghiệp trong lĩnh vực này kê khai thuế không đúng, thậm chí tiếp tay cho mạng xã hội trốn thuế.
Theo bà Hương, cũng có doanh nghiệp làm đại lý cho các mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube... kê khai nộp thuế trực tuyến, nhưng mức độ đóng thuế tới đâu, đã đầy đủ hay chưa, có cố tình làm giảm mức thuế phải đóng... sẽ được kiểm tra chặt chẽ trong đợt này. Thời gian qua, cơ quan này phát hiện có đơn vị nhận quảng cáo, làm đại lý cho các mạng xã hội nhưng không đăng ký, dùng nhiều cách khác nhau để lách thuế. Họ cũng không kê khai nộp thuế nhà thầu đối với doanh thu bán quảng cáo của các mạng xã hội.
Lãnh đạo Cục cho biết thêm, có công ty lại đăng ký nhiều loại hình hoạt động kinh doanh, trong đó có cả hình thức kinh doanh quảng cáo trực tuyến, nhưng khi kê khai nộp thuế lại không đề cập gì đến mảng hoạt động này. Chính vì vậy, việc rà soát xem có bao nhiêu công ty là đại lý chính thức cho các mạng xã hội và đã đóng thuế đúng và đủ hay chưa cần nhiều thời gian.
Trong số các mạng xã hội, hiện chỉ có Yahoo đã có công ty đại diện, đăng ký kinh doanh và kê khai nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam.
Bạch Hường

8,2 triệu người Việt Nam sử dụng 1 tỷ phút để online với zing me

Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner, trong tháng 1/2012, lượng người dùng Internet tại Việt Nam (Country Unique Visitors) là 23 triệu (chiếm 26% dân số Việt Nam) và lượt xem (Country Pageviews) là 18,4 tỉ....
 Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner, trong tháng 1/2012, lượng người dùng Internet tại Việt Nam (Country Unique Visitors) là 23 triệu (chiếm 26% dân số Việt Nam) và lượt xem (Country Pageviews) là 18,4 tỉ.

Đứng đầu Top 100 website Việt Nam là cổng thông tin Zing.vn. Trang web này đang dẫn đầu về cả ba chỉ số: lượng người dùng (16 triệu), tổng thời gian truy cập (2,7 tỉ phút) và lượt xem (1,5 tỉ). Theo số liệu này, cứ 10 người sử dụng Internet tại Việt Nam, thì có đến 7 người đang sử dụng Zing.vn.

Xét về cổng thông tin, ngoài Zing.vn đang chiếm ngôi đầu bảng, Yahoo.com đang ở vị trí thứ hai với 12 triệu người dùng. Các trang còn lại đều có khoảng cách về lượng người dùng khá xa, điển hình như hạng ba là soha.vn chỉ có 3,9 triệu người dùng, hạng 4 vtc.vn (3,5 triệu) và hạng 5 go.vn (2,8 triệu).

Về mạng xã hội tại Việt Nam, Zing Me (me.zing.vn) có lượng người dùng cao nhất (8,2 triệu), thời gian truy cập nhiều nhất (1 tỉ phút) và lượt xem 540 triệu. Đứng thứ hai là Facebook.com với 5,6 triệu người dùng. Đứng thứ ba là yume.vn (2,2 triệu người dùng), thứ tư là tamtay.vn (1 triệu người dùng).

Trong mảng giải trí đa phương tiện, Zing Mp3 (mp3.zing.vn) vẫn tiếp tục chiếm vị thế cao nhất trong các trang âm nhạc trực tuyến với 9,9 triệu người dùng, tổng thời gian truy cập 976 triệu phút và lượt xem 490 triệu. Đứng đầu các trang phim là phimphim.com (1,3 triệu người dùng). Đứng đầu các trang video là clip.vn (2,9 triệu người dùng).

Trong lĩnh vực tin tức, trang tin 24h.com.vn đang có ưu thế với 9,9 triệu người dùng và 600 triệu lượt xem, xếp thứ hai là vnexpress.net (8,3 triệu người dùng và 530 triệu lượt xem), thứ ba là dantri.com.vn (7,5 triệu người dùng và 380 triệu lượt xem).

Vatgia.com dẫn đầu các trang thương mại điện tử với 4,6 triệu người dùng, kế đến là baokim.vn và ebank.vtc.vn. Chỉ duy nhất 1 diễn đàn nằm trong Top 100 website Việt Nam, đó là: vn-zoom.com với 2,1 triệu người dùng.

Trong các công ty Internet hàng đầu Việt Nam, VNG có số lượng người dùng nhiều nhất với 16 triệu, tiếp theo là Yahoo (12 triệu), VCC (11 triệu), FPT (10 triệu), Facebook (5,6 triệu) và VTC 5,1 triệu.

NGuồn : Blog Giải pháp số - Vantri.vn

Chỉ 1% DN Việt Nam marketing qua mạng xã hội


Trong khi tới 54% các công ty quốc tế sử dụng các trang mạng xã hội như một công cụ marketing tuyệt vời thì tại Việt Nam, số doanh nghiệp này chỉ chiếm 1%, trong đó, chỉ có 0,4% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Facebook và 0,07% dùng Youtube.
5.000 doanh nghiệp Việt dùng mạng xã hội

Kết quả nghiên cứu trên vừa được công bố tại hội thảo về Mạng xã hội cho các giám đốc Marketing do Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 10/6/2011.

Công ty truyền thông Vinalink, đơn vị chủ trì cuộc khảo sát về ứng dụng mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam cho hay, hiện có tới 53% người dùng Internet ở Việt Nam, tương đương với 15 triệu người, đang sử dụng ít nhất một mạng xã hội.

Cuộc nghiên cứu này cho thấy, số doanh nghiệp Việt sử dụng mạng xã hội vào marketing còn rất khiêm tốn. Cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập đến nay và theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp đang hoạt động có khoảng trên 350.000 doanh nghiệp.
 

Ông Hà Tuấn, Tổng Giám đốc Vinalink cho biết, 0,4% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Facebook chỉ tương khoảng 2.000 doanh nghiệp. 0,07% doanh nghiệp dùng Youtube và khoảng 0,2% còn lại cho các mạng xã hội khác. Nếu tính tổng % sử dụng các mạng xã hội bao gồm cả diễn đàn, Blog thì con số doanh nghiệp ứng dụng kênh truyền thông này mới chỉ khoảng 1%, tức chỉ có 5.000 doanh nghiệp.

Trong khi đó, xu hướng sử dụng các trang mạng xã hội vào công việc bán hàng ở nước ngòai lại rất được coi trọng và phổ thông. Tại hội thảo này, Phó giáo sư trường IAE Paris Marc Divine đã dẫn ra kết quả một cuộc khảo sát do ông thực hiện đối với 200 công ty quốc tế như IBM, L'Oreal, Unilever về sử dụng mạng xã hội trong hoạt động tiếp thị.

Theo đó, có tới 54% trong số các công ty quốc tế này từ lâu đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ marketing. Điều thú vị là, trang mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất không phải là Facebook mà lại là LinkedIn. Sau vị trí thứ hai của Facebook, đứng thứ ba là trang Viadeo, rồi đến Youtube, Twitter và đứng thứ sáu là Dailymotion.

Nói về lợi ích tuyệt vời của công cụ mạng này, Phó giáo sư đúc rút, các giám đốc marketing ngoài việc sử dụng các mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, tạo hiệu ứng lan truyền , tìm kiếm khách hàng tiềm năng, v.v..., còn để thu thập phản hồi của khách hàng và tạo nên sự gắn kết với đội ngũ nhân viên hiện thời và thu hút các nhân viên tiềm năng.

Hàng triệu lượt truy cập cho một clip ấn tượng

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một vài ví dụ khá ấn tượng khi quảng cáo qua mạng xã hội. Ông Hà Tuấn liệt kê ví dụ như clip quảng cáo của Vinamilk trên Youtube thu hút tới 10 triệu lượt người xem, chiến dịch Pond trắng hồng của mỹ phẩm Pond vừa qua do Mai Văn Hương làm chủ clip cũng thu hút gần 500.000 view trên Zing.me trong vài tuần làm tiếp thị lan truyền.

"Nếu biết sử dụng đúng cách mạng xã hội, hiệu quả kinh doanh sẽ rất lớn", ông Hà Tuấn nói. Bởi khảo sát từ phía tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nghiên cứu của Vinalink cho biết có đến 35% số người dùng Internet ở Việt Nam từng tham khảo thông tin trên các diễn đàn và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè, fanpage, quảng cáo trên các mạng xã hội trước khi mua hàng hay dịch vụ.

Ông Hà Tuấn cho rằng: "Nếu biết phân khúc để đánh đúng đối tượng mục tiêu, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ là bán hàng hay dịch vụ mà còn là phương tiện làm thương hiệu để kết hợp với các kênh khác tiếp cận tới mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo các sản phẩm dịch vụ nên xác định cho khu vực thành thị và những người có thói quen sử dụng mạng xã hội".

Tổng Giám đốc Digimarketin, chị Lê Thúy Hạnh, cho hay, đa số các doanh nghiệp có thói quen truyền tải cùng một thông điệp trên các mạng xã hội khác nhau thay vì phát triển các hình thức truyền đạt riêng cho mỗi trang này. Trong khi đó, mỗi trang đều có những đặc tính riêng. Cái được chấp nhận ở Tumblr có thể bị coi là spam trên Facebook. Phong cách viết có hiệu quả với Twitter có thể thất bại trên FriendFeed".

"Vì thế, để tối đa hóa tác dụng của mạng xã hội, các doanh nghiệp nên truyền tải những thông điệp khác nhau trên các phương tiện khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên giảm bớt các "tuyên bố chính thức" mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo ra sự kết nối với khách hàng. ", bà Lê Thúy Hạnh lưu ý.

Theo Phạm Huyền
VEF

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes