'Công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi thứ hạng đất nước'
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay, dân số trẻ, thanh niên đam mê CNTT chính là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển CNTT, thay đổi thứ hạng của đất nước.
Ngày 6/5, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã làm việc với đại học FPT về đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao nhằm đáp ứng mục tiêu 1 triệu chuyên gia CNTT vào năm 2020.
Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần phải chú trọng tăng năng suất lao động hơn nữa bởi năng suất của một tập đoàn công nghệ trên 13 vạn người ở Mỹ hiện đang làm ra giá trị lớn hơn cả GDP của Việt Nam với dân số hơn 86 triệu người.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: "Chỉ cần 10-15 năm nữa là sẽ mất hết cơ hội". |
"Chúng ta phải thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực CNTT ngay. Chỉ cần 10-15 năm nữa là sẽ hết mất cơ hội. Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, thanh niên Việt Nam đặc biệt rất đam mê CNTT. Đây là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển CNTT", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành cũng nhìn nhận, việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện thiếu định hướng, tính chuyên nghiệp không cao, kỷ luật lao động kém, chậm đổi mới...
"Các em đang đứng trước cơ hội để thay đổi thứ hạng của đất nước, cơ hội để đưa đất nước đi đầu. Chỉ 10-15 năm nữa thôi cơ hội này sẽ không trở lại nữa. Hãy nắm lấy cơ hội. Hãy cố gắng đầu tư cho việc học trước 35 tuổi là tốt nhất", Bộ trưởng Thông tin Truyền thông chia sẻ với sinh viên ĐH FPT.
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng cho hay, số nhân lực làm việc trong các ngành CNTT (phần cứng, phần mềm, nội dung số) trong 5 năm 2006-2010 đã tăng gần gấp đôi, từ 150.000 lên 260.000, với tốc độ tăng trưởng 13% - 18% một năm.
Các kỹ sư CNTT tương lai chăm chú lắng nghe buổi nói chuyện của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp. |
Tuy nhiên, từ năm 2009, các con số thống kê sơ bộ cho thấy dù chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra hàng năm đều tăng nhưng số người đăng ký học ĐH, CĐ CNTT chính quy đang giảm 10-15% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và do sức hút của các ngành khối kinh tế, đặc biệt là tài chính - ngân hàng.
"Sự suy giảm về số lượng thí sinh nhập học sẽ dẫn đến suy giảm số lượng nhân lực CNTT cung cấp cho ngành từ năm 2014 - thời điểm sinh viên nhập học năm 2009 tốt nghiệp", ông Tùng chia sẻ.
Theo vị hiệu trưởng này, chất lượng chung về đào tạo CNTT vẫn đang ở mức thấp, đa số sinh viên tốt nghiệp vẫn còn yếu về ngoại ngữ, chưa có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
"Thời kỳ 2011-2015 là cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, và qua đó là cơ hội cho các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo, người học, người dạy thực thi tham vọng hiện thực hóa tiềm năng trí tuệ Việt Nam - đặc biệt trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông", ông Tùng nói.
Đại học FPT đang hướng tới mục tiêu trở thành đại học lớn nhất và tốt nhất về đào tạo CNTT trong vòng 5 năm tới.
Tiến Dũng
Posted in: Tin tức TMDT, Tổng hợp
0 comments:
Post a Comment