Ảnh minh họa (nguồn me.us). |
Phía sau cuộc đua tăng “hit” của báo điện tử
ICTnews - Con đường nào để báo điện tử “lão làng” vẫn tồn tại, những website “măng non” nhanh chóng có danh? Liệu có phải, chỉ cần dựa vào kiểu giật tít “trời ơi” hay khai thác những câu chuyện giật gân, “hot”?
Trong khi báo chí gần đây mổ xẻ quyết liệt những thảm họa phim Việt, thảm họa nhạc Việt... thì bản thân báo chí, nhất là báo mạng cũng chứa nhiều bất ổn, xuất phát từ tâm lý “ăn xổi ở thì” của một số người làm nghề.Do tính đặc thù, khi các báo điện tử muốn đảm bảo tính cập nhật, nóng hổi thời sự của tin, bài thì cũng khó tránh khỏi chuyện “lợi bất cập hại”. Và khi không phải “bút sa” thì “gà chết” như báo in, bởi ban biên tập báo có thể dễ dàng tháo dỡ ngay tin, bài đã đăng tải xuống nếu nhận thấy có sự bất ổn thì chính vì sự “đơn giản” ấy mà một số ít người làm nghề cứ mặc nhiên phủi tay mọi sai sót, còn hậu quả thì nhân vật/sự kiện và bạn đọc lãnh đủ.
Một bước lên tới… trời cao?
Không thể phủ nhận trong thời đại CNTT, tin bài của báo điện tử “hot” hơn hẳn so với các thể loại báo chí khác (ngoại trừ truyền hình trực tiếp) giúp độc giả được cập nhật tin tức một cách nhanh nhất. Cũng nhờ công nghệ mà người đọc dễ dàng có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình trước một nhân vật/sự kiện mà báo điện tử đề cập. Nói như vậy, không có nghĩa, để “câu view” (thu hút độc giả truy cập), để báo mạng nhanh chóng có “danh” thì người viết chỉ cần giật tít, cắt xén thêm thắt làm sai lệch, thậm chí đảo lộn tinh thần của nhân vật/sự kiện.
Một trang báo từng giật tít “Con gái Trương Ngọc Ánh từ nhỏ đã đanh đá”. Bạn đọc hẳn đã phải sửng sốt hỏi đạo đức của người viết ở đâu, khi họ thản nhiên gán cho một đứa trẻ hơn 4 tháng tuổi tính cách “đanh đá”? Một cách gây sốc khác là giật tít và đăng tải nội dung dày đặc ngôn ngữ sex kiểu như “Hồ Ngọc Hà váy ngắn lộ nội y”; “Ngọc Trinh khoe đường cong tuyệt đẹp dù không mặc đồ lót”; “Vòng 1 của nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh “xẹp nở” bất thường”; “Những bộ ngực “biết khóc, biết cười” của sao Việt”…; thậm chí có cả tít thô thiển như: “Lee Da Hae lộ miếng giấy vệ sinh ướt trong váy”, tít phản cảm và không ăn nhập với nội dung như: “Đình Nguyên, có “súng” rất to, nhưng thiếu “đạn””…
Gần đây, trong một chương trình thời trang, có một đoạn người mẫu nhí B.T. mặc váy ngắn và bị quạt thổi bay để lộ phần đồ lót. BTC chương trình nói đã cắt bỏ không phát sóng những đoạn này. Nhưng thông tin và hình ảnh này lại được... phát tán tràn lan trên các báo mạng. Những người làm báo mạng, họ có nghĩ đến cảm xúc của người mẫu nhí B.T và gia đình em cùng những ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý?
Cái tâm của người cầm bút
Điều khoản thứ 6 trong “Qui chế phỏng vấn trên báo chí” ghi: “Khi thực hiện việc biên tập bài trả lời phỏng vấn, cơ quan báo chí và nhà báo không được tự ý thêm bớt, cắt xén nội dung các câu hỏi và trả lời làm sai lệch nội dung của người trả lời phỏng vấn”. Vậy nên người làm báo mạng nói chung hẳn sẽ băn khoăn trước thách thức lớn khi cùng lúc phải đáp ứng các tiêu chí: nhanh, nhạy bén, “hot”, nhưng phải đúng hướng, tích cực, chuẩn mực và không được sai sót. Có lẽ câu trả lời vẫn nằm ở lương tâm mà thôi!
Đã đến lúc cần tĩnh tâm ngồi lại nhận định, đúc kết, nhận sai và sửa sai. Bởi thực tế cho thấy không phải tất cả các bài báo gây chú ý đều là những bài giật gân. Càng không phải 100% bạn đọc báo mạng chỉ ưa chuộng, ham thích những thông tin và hình ảnh gây sốc.
Vì sao câu chuyện nồng ấm tình người trong chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” trên Dân Trí, do đâu đoạn clip kèm thông tin về “Nữ sinh xinh đẹp cần mẫn thu dọn rác” câu được hàng trăm view trên trang mạng báo Dân Việt? Vì sao đêm diễn của Hoài Linh cùng đông đảo nghệ sĩ ủng hộ diễn viên Thụy Mười mổ tim, hay mối tình đẹp của ca sĩ Thanh Ngọc như trang mạng ngoisao.net mới đây làm nức lòng đông đảo bạn đọc nhấp chuột vào?...
Rõ ràng tình người, những nghĩa cử đẹp, sự tử tế, những hình ảnh, chuyện hậu trường nghệ sĩ chân tình và đậm chất nhân văn… mới chính là những tin, bài thực sự gây chú ý và lay động sâu xa, là cách phản ánh mà báo mạng hiện đang thiếu và độc giả vẫn luôn mong muốn được tiếp nhận.
Và nỗi lòng của những người làm báo
Gia Hoàng, phóng viên báo VnMedia chia sẻ: “Trước đây Việt Nam chỉ có 5 báo điện tử chính thống là VnExpress, Dân trí, VnMedia, Vietnamnet và VTC News, nhưng thời gian gần đây có rất nhiều trang tin mọc lên như nấm, những trang tin này không được quyền sản xuất tin bài mà chỉ được thực hiện những tin bài khai thác. Tuy nhiên họ vẫn thản nhiên sản xuất tin bài đều đặn, thậm chí những người làm tin bài cho những trang tin này còn tự nhận mình là phóng viên, nhà báo. Trước tình hình đó, những phóng viên báo chính thống như chúng tôi không thể làm tin chậm và làng nhàng được khi ngày càng phải cạnh tranh với những trang tin lá cải”.
Làm báo mạng thì yếu tố nhanh nhạy phải được đặt lên hàng đầu, song cũng khó có thể khẳng định rằng tất cả các báo điện tử bây giờ làm tốt được đầy đủ các tiêu chí nhanh, nhạy bén, “hot”, đồng thời đáp ứng được tiêu chí tích cực, chuẩn mực của nghề báo. Bởi lẽ tin có lên nhanh hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào độ nhạy bén của phóng viên.
“Khi chưa chính thức làm nghề báo, tôi đã từng suy nghĩ rằng chỉ cần biết cách khai thác những câu chuyện giật gân câu khách thì số lượng độc giả sẽ tăng vùn vụt. Nhưng sau thời gian công tác tại báo VnMedia, tôi mới hiểu rằng: “Cái gì thuộc về giá trị thật sẽ tồn tại vĩnh cửu”.
Chính vì thế những trang tin hoặc trang báo coi tiêu chí lá cải là hàng đầu cũng chỉ thu hút được độc giả một thời gian nhất định, còn những trang báo chính thống, mặc dù cần thời gian nhưng chắc chắn những độc giả đã một lần ghé thăm cũng sẽ trung thành với tờ báo đó”, Gia Hoàng nói.
Còn Phan Anh, phóng viên báo Dân Trí - một người “ăn sâu bám rễ” vào mảng giải trí, showbiz - tâm sự: “Làm báo mạng hay báo giấy đều đòi hỏi bạn phải phản ánh sự thật một cách tích cực, có chăng chỉ khác là ở báo mạng, bạn phải khai thác và đưa tin thật nhạy bén và sớm nhất có thể. Nhanh là yếu tố tiên quyết trong báo mạng nên đôi khi khía cạnh chiều sâu của bài viết chưa được đề cao như ở báo giấy. Nhưng bên cạnh đó, bạn cũng cần phải đáp ứng được những chuẩn mực báo chí như đưa tin đúng sự thật, cách khai thác đề tài tích cực... Tuy vậy, phải thú nhận rằng không phải bài viết nào của tôi cũng có thể đáp ứng được những tiêu chí đó một cách đầy đủ. Đôi khi có một vấn đề còn gây tranh cãi, bạn sẽ phải xác minh lại, và lúc đó nhanh nhạy không còn là tiêu chí hàng đầu nữa”.
Trao đổi về xu hướng có một số ý kiến cho rằng “chỉ cần khai thác những câu chuyện giật gân thì số lượng độc giả của báo điện tử sẽ tăng nhanh”, phóng viên Phan Anh khẳng định: “Đó là con dao hai lưỡi. Bạn biết đấy, khai thác những câu chuyện giật gân là cách làm mà một số trang tin điện tử hiện nay đang áp dụng. Điều đó sẽ giúp cho trang tin được chú ý tạm thời, lúc ban đầu, nhưng về lâu dài, nó sẽ giết chết chính trang mạng đó. Ai cũng biết các trang tin, báo mạng đều sống nhờ quảng cáo. Nhưng nếu bạn khiến độc giả mất niềm tin, khiến hình ảnh của chính tờ báo bị xấu đi vì những câu chuyện giật gân không có thật thì ai còn dám mua quảng cáo trên trang báo đó nữa? Tất cả các doanh nghiệp đều đặt uy tín thương hiệu lên hàng đầu. Vậy nên sẽ chẳng ai dám mạo hiểm gắn liền thương hiệu của mình với một trang báo không có uy tín cả!”.
Hướng đi nào cho một trang tin mới?Khi “sân chơi” đã tràn ngập các kênh thông tin đa dạng và phong phú về nội dung, thì việc đi sâu vào các chuyên ngành hoặc tập trung vào một khía cạnh thông tin cụ thể là cơ hội rất lớn cho những “chàng lính mới”.
“Những người đi sau cần tập trung tìm hiểu để đưa ra định hướng đưa tin và phát triển cho mình. Việc nắm vững thế mạnh của mình và tập trung phát triển vào đó là vô cùng quan trọng. Nỗ lực bao trùm và dàn trải việc cung cấp tất cả các loại thông tin trong khi những thông tin về chiều sâu lại rất thiếu, là lãng phí”, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus nhận định.
Còn theo Giáo sư Mathew Driskills, giảng viên báo chí Đại học Hồng Kông, chiến lược kinh doanh luôn là một điều tối quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của một đơn vị. Mặt hàng kinh doanh của một tờ báo là thông tin. Lựa chọn loại thông tin nào để kinh doanh phải dựa trên nguồn lực và khả năng của mỗi tờ báo. Nghiên cứu kỹ về thị trường để tìm ra đối tượng bạn đọc chủ đạo mình nhắm đến, tìm hiểu kỹ nhu cầu thông tin để có cơ sở sàng lọc những loại thông tin mình cần là những bước cơ bản cần được tiến hành trước khi triển khai một trang web mới.
Giáo sư Mathew cũng gợi ý rằng trong khi những kênh thông tin tràn ngập khắp nơi, việc đầu tư vào một tờ báo có chiều sâu cụ thể và thật chuyên nghiệp về mặt nội dung sẽ là một đầu tư thông minh đối với những đối tượng có giới hạn về khả năng tài chính.
“Song, trên hết vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt khi ngành báo chí là những cơ quan giữ vai trò định hướng suy nghĩ và hành động của xã hội”, Giáo sư Mathew kết luận.
“Những người đi sau cần tập trung tìm hiểu để đưa ra định hướng đưa tin và phát triển cho mình. Việc nắm vững thế mạnh của mình và tập trung phát triển vào đó là vô cùng quan trọng. Nỗ lực bao trùm và dàn trải việc cung cấp tất cả các loại thông tin trong khi những thông tin về chiều sâu lại rất thiếu, là lãng phí”, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus nhận định.
Còn theo Giáo sư Mathew Driskills, giảng viên báo chí Đại học Hồng Kông, chiến lược kinh doanh luôn là một điều tối quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của một đơn vị. Mặt hàng kinh doanh của một tờ báo là thông tin. Lựa chọn loại thông tin nào để kinh doanh phải dựa trên nguồn lực và khả năng của mỗi tờ báo. Nghiên cứu kỹ về thị trường để tìm ra đối tượng bạn đọc chủ đạo mình nhắm đến, tìm hiểu kỹ nhu cầu thông tin để có cơ sở sàng lọc những loại thông tin mình cần là những bước cơ bản cần được tiến hành trước khi triển khai một trang web mới.
Giáo sư Mathew cũng gợi ý rằng trong khi những kênh thông tin tràn ngập khắp nơi, việc đầu tư vào một tờ báo có chiều sâu cụ thể và thật chuyên nghiệp về mặt nội dung sẽ là một đầu tư thông minh đối với những đối tượng có giới hạn về khả năng tài chính.
“Song, trên hết vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt khi ngành báo chí là những cơ quan giữ vai trò định hướng suy nghĩ và hành động của xã hội”, Giáo sư Mathew kết luận.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả nước hiện có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí... Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, thì hoạt động báo chí nói chung trong năm qua vẫn còn một số thiếu sót, khuyết điểm, trong đó có hiện tượng thông tin dung tục, phản cảm, đăng phát hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam để "câu" độc giả. Đây là vi phạm phổ biến của các báo điện tử và nhiều trang thông tin điện tử. Bên cạnh đó, hiện tượng đưa tin quá nhiều vụ án, vụ việc tiêu cực, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội.
Báo cáo cũng nêu lên vấn đề trình độ nhận thức về chính trị, nghiệp vụ, văn hoá, xã hội, đặc biệt là độ nhạy cảm về chính trị của một bộ phận phóng viên, biên tập viên còn những hạn chế nhất định. Qua đó cho thấy việc xác định "viết cho ai?", "viết để làm gì?", "viết như thế nào?" mà Bác Hồ đã căn dặn báo chí mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị với những người làm báo.
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ TT&TT, tình trạng vi phạm quy định về bản quyền, không dẫn nguyên vẹn từ các nguồn thông tin chính thống theo quy định của pháp luật hoặc không dẫn nguồn tin khi sử dụng lại thông tin, cũng là lỗi phổ biến của rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp.
CHI MAI-HOA TẠ
Báo cáo cũng nêu lên vấn đề trình độ nhận thức về chính trị, nghiệp vụ, văn hoá, xã hội, đặc biệt là độ nhạy cảm về chính trị của một bộ phận phóng viên, biên tập viên còn những hạn chế nhất định. Qua đó cho thấy việc xác định "viết cho ai?", "viết để làm gì?", "viết như thế nào?" mà Bác Hồ đã căn dặn báo chí mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị với những người làm báo.
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ TT&TT, tình trạng vi phạm quy định về bản quyền, không dẫn nguyên vẹn từ các nguồn thông tin chính thống theo quy định của pháp luật hoặc không dẫn nguồn tin khi sử dụng lại thông tin, cũng là lỗi phổ biến của rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp.
0 comments:
Post a Comment