ADS 1

Showing posts with label email. Show all posts
Showing posts with label email. Show all posts

Gắn chữ ký số vào email: Không cần thiết?





75275152-Ke_tu_ngay_1-1-201.jpg
Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải tiên phong triển khai chữ ký số một cách sâu rộng.

ICTnews - Không ít lãnh đạo cơ quan Nhà nước (CQNN) cho rằng không cần thiết phải triển khai ứng dụng chữ ký số trong việc gửi thư điện tử (email). Tuy nhiên, tư duy này cần thay đổi.
Mới có 9,5% tỉnh thành “thức thời”
Tại Việt Nam hiện đang triển khai 2 hệ thống chứng thực chữ ký số (gọi tắt là CA), gồm hệ thống CA công cộng - nơi cấp chứng thư số/chữ ký số cho các giao dịch điện tử giữa cơ quan Chính phủ với người dân, doanh nghiệp (G2C, G2B), và hệ thống CA chuyên dụng - nơi cấp phát chứng thư số cho các giao dịch điện tử giữa các cơ quan Đảng, Chính phủ với nhau (G2G). Trong đó, hệ thống CA chuyên dụng được cấp phát bởi 1 tổ chức duy nhất là Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ thuộc Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Từ cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 34 về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của CQNN, trong đó yêu cầu Bộ Nội vụ phải phối hợp với Bộ TT&TT và Bộ Công an phát triển kế hoạch ứng dụng hạ tầng khoá công khai (PKI), chữ ký số để bảo đảm bảo mật, xác thực thông tin trong việc sử dụng hệ thống email của các CQNN.
Trên thực tế, Ban Cơ yếu Chính phủ đã rất tích cực thúc đẩy ứng dụng chữ ký số. Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, một cán bộ của Ban Cơ yếu Chính phủ dẫn chứng, đơn vị này đã tổ chức hội thảo toàn quốc giới thiệu về chữ ký số hồi tháng 10/2010; đã phối hợp với Cục Ứng dụng CNTT Bộ TT&TT gửi các văn bản thông báo về việc ứng dụng chữ ký số tới các CQNN; đưa các thông tin về ứng dụng chữ ký số vào các chương trình CNTT quốc gia...
Một điểm cần nhấn mạnh rằng các CQNN không phải trả phí cho việc ứng dụng chữ ký số chuyên dụng, trong đó có chữ ký số gắn với email trao đổi trong nội bộ CQNN hoặc giữa các CQNN với nhau. Kinh phí để Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước đang được Nhà nước “chu cấp”.
Thế nhưng theo thống kê vừa được Bộ TT&TT công bố thì đến hết năm 2010, ứng dụng chữ ký số trong việc gửi và nhận văn bản, thư điện tử của các CQNN mới được áp dụng tại khoảng 9,5% tỉnh thành trên cả nước.
Ở khối các cơ quan Bộ, ngành, kết quả cũng rất khiêm tốn, mới chỉ có một vài “gương điển hình” triển khai chứng thư số và phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ… Ngay cả Kho bạc Nhà nước được đánh giá là đơn vị tiên phong trong ngành Tài chính ứng dụng thành công chữ ký số trong hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc ngoại tỉnh (từ tháng 5/2006) thì tới năm 2010 vẫn không thể triển khai được việc sử dụng chứng thư số cho hệ thống email và hệ thống chuyển nhận công văn qua mạng.
Cần văn bản pháp lý
Chia sẻ về hiện trạng còn quá ít CQNN sử dụng chữ ký số để gửi email, chuyên gia của Ban Cơ yếu Chính phủ nêu một số lý do như chữ ký số còn mới và chưa có nhiều CQNN biết đến; một số cơ quan đã biết nhưng để triển khai thì còn phải làm nhiều thủ tục như xác định nội dung, lập kế hoạch, dự toán, trình phê duyệt thì mới thực hiện được, trong khi đó, năm 2011, kinh tế vẫn tiếp đà suy giảm khiến các CQNN tiếp tục phải cắt giảm chi tiêu nên có thể chậm triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.
Song theo nhận định chủ quan của phóng viên Bưu điện Việt Nam, còn có một nguyên nhân khác đó là các CQNN vẫn chưa nhìn nhận đúng mức về sự cần thiết phải sử dụng chữ ký số khi gửi email.
Tại một cuộc hội thảo về chữ ký số, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & CNTT, Bộ Công Thương bày tỏ rằng, ở cơ quan mình không có nhu cầu bởi bản chất của chữ ký số là đảm bảo tính an toàn, bảo mật và toàn vẹn thông tin, trong khi đó, các email thường chỉ có nội dung như thông báo lịch họp… không cần thiết phải “nêu cao tinh thần bảo mật”, còn những nội dung có tính “mật” thì theo quy định không được “tự do lưu chuyển” trên môi trường mạng.
Mới đây, lại có thêm một “lực cản” khác làm chậm tiến độ “nhúng” chữ ký số vào email ở các CQNN là các Bộ, ngành đang rất tích cực triển khai hệ thống quản lý điều hành văn bản, trong đó, mỗi cá nhân khi được phân quyền đều đã được gán với tên, chức danh, quyền hạn cụ thể, và theo đánh giá của một số lãnh đạo CNTT chính xác thì khi đó đã đảm bảo tính xác thực định danh của người gửi email, không cần thiết phải có chữ ký số.
Những lý giải nêu trên có thể chấp nhận được ở thời điểm hiện tại, khi môi trường làm việc điện tử liên cơ quan vẫn chưa được thành hình, các CQNN vẫn đang trao đổi công văn theo hình thức giấy tờ truyền thống (có dấu đỏ). Tuy nhiên, trong tương lai, khi hoạt động giao dịch, trao đổi giữa các CQNN được tiến hành trên môi trường điện tử thì việc ứng dụng chữ ký số khi gửi email là điều hết sức cần thiết, nhất là với bối cảnh không gian mạng ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh rất cao.
Nên chăng cần có một văn bản pháp lý bắt buộc các CQNN phải sử dụng chữ ký số khi gửi thư điện tử.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải tiên phong triển khai chữ ký số một cách sâu rộng. Đặc biệt, các cơ quan Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương phải phối hợp với nhau để triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý hành chính công nhằm hướng tới mô hình Chính phủ điện tử.
Ngọc Mai
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 96 ra ngày 12/8/11

Email có quan trọng với Google, Microsoft và Yahoo?


Email.jpg
Email có quan trọng với Google, Microsoft và Yahoo?
ICTnews – Cả 3 dịch vụ webmail mà các công ty này đang cung cấp đều miễn phí nhưng lại là một trong những “cánh cổng” vô cùng quan trọng đối với tất cả các “cỗ máy in tiền” khác của họ
Tỷ lệ truy cập
Để thử hình dung ra mức độ quan trọng của email đối với các công ty này đến đâu, chúng ta hãy xem những tên miền của các dịch vụ này được người dùng truy cập thường xuyên đến mức nào.
Và kết quả là: Gmail chiếm 23% tổng lượng truy cập của toàn trang Google.com; Hotmail chiếm 39% lượng truy cập tới Live.com (của Microsoft) còn Yahoo Mail chiếm 20% lượng truy cập của Yahoo.com.
Yahoo.jpg
Tỷ lệ truy cập vào Yahoo Mail so với tổng thể Yahoo.com
Hotmail.jpg
Tỷ lệ truy cập vào Hotmail
Gmail.jpg
Tỷ lệ truy cập vào Gmail so với Google.com
Nhưng nếu chỉ nhìn vào những tỷ lệ này chúng ta sẽ chưa thấy sự quan trọng của chúng nhưng nếu biết rằng chúng đang chiếm các vị trí gần như cao nhất trong việc mang lại nguồn truy cập cho cả 3 hãng và đưa người dùng tới các dịch vụ khác của họ.
Hãy thử tưởng tượng cảnh Google, Yahoo đìu hiu thế nào nếu người dùng không sử dụng email.
Lượng người dùng
Một lần nữa chúng ta phải dùng đến những con số ước lượng bởi cả Google, Yahoo hay Microsoft đều chưa bao  giờ có những con số chính thức về số lượng người dùng thực sự dịch vụ webmail của họ.
Dựa theo số liệu thống kê của Google Doubleclick Ad Planner – công cụ theo dõi và  tính toán lượng truy cập cho rất nhiều website trên thế giới, Yahoo Mail hiện đang có khoảng 340 triệu người dùng còn Hotmail có khoảng 450 triệu. Rất tiếc là chúng ta không thể biết số người dùng Gmail là bao nhiêu bởi công cụ này đã tự động loại bỏ tính năng theo dõi một số dịch vụ của Google.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn là Gmail đang chiếm vị trí thứ 3 trong số những dịch vụ email miễn phí trên thế giới. Một số chuyên gia web ước tính Gmail có khoảng 200 triệu người dùng và con số này đang gia tăng khá nhanh. Số liệu này dựa trên việc lọc “unique IP” mà mỗi IP có thể “chứa” rất nhiều người dùng trên đó.
Và email chưa thể chết
Thật lạ là chỉ trong vòng vài năm qua người ta đã tuyên bố “Email đã chết” tới mấy lần. Sự thực là chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nó nhiều hơn đa số đang tưởng và quan trọng hơn nữa là thế giới vẫn chưa có giải pháp thay thế nào khả dĩ.
Google biết điều này. Microsoft biết điều này. Yahoo biết điều này rằng: Dịch vụ email của họ vẫn còn cực kỳ quan trọng bởi đó là một “mỏ vàng” cho các số liệu thống kê, là nền tảng để họ tiếp tục phát triển các sản phẩm mới xoay xung quanh, là chiếc “máy bơm” lượng truy cập cho các dịch vụ khác hay thậm chí là “pháo hạng nặng” để họ tấn công và “ra giá”, gây sức ép lên các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.
Nếu 1 trong 3 hãng này mất đi dịch vụ email, đó sẽ là một thảm họa thực sự bởi hàng trăm triệu người dùng sẽ ồ ạt bỏ đi và tìm đến các đối thủ cạnh tranh khác.
Hãy nhớ, nếu có bất kỳ một ai tuyên bố rằng “Email đã chết” thì đó là kẻ không làm việc cho Google, Microsoft, Yahoo hay thậm chí đó là người “chẳng biết gì” về CNTT.
Trần Du Phong
Theo Royal Pingdom

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes