ADS 1

Showing posts with label B2B. Show all posts
Showing posts with label B2B. Show all posts

Xây dựng thương hiệu trong B2B

brand-b2b
Khác với thương hiệu hàng tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) chú trọng nhiều hơn tới yếu tố nội lực và văn hóa bền vững. Nếu ví như cuộc đua, thì làm thương hiệu B2B là cuộc đua đường trường, dai sức và bền bỉ...

Trong ngoài, ngoài trong

Trước hết, cần tách biệt hai phương pháp xây dựng thương hiệu B2B và B2C. Với B2C, phương pháp tiếp cận chiến lược hữu hiệu phổ biến là từ ngoài vào trong (outside-in approaches), thông qua sự thấu hiểu nhận thức tiềm ẩn (insight), hay thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Chiến lược này sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho truyền thông tiếp thị để thúc đẩy tăng trưởng thương hiệu và kinh doanh. Ngược lại, xây dựng thương hiệu B2B chủ động thiên về những yếu tố chủ quan từ trong ra ngoài (inside-out approaches) và vẫn phải dựa trên sự thấu hiểu của thị trường, nhu cầu của khách hàng là các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nguồn ngân sách sẽ được ưu tiên cho nghiên cứu, phát triển (R&D) và nhân lực.
Trong thế giới tiếp thị, chiến lược khác biệt hóa thương hiệu B2C được tiến hành bằng những lời chào thương hiệu giàu cảm xúc như: “Một cảm giác rất Yomost”, “Sữa của những thiên tài”...
Thận trọng hơn, xây dựng thương hiệu B2B xuất phát từ những chiến lược khác biệt hóa từ những “Giá trị thuộc tính độc đáo” (USP: Unique Selling Proposition), vốn là những lợi thế cạnh tranh của DN, trước khi hướng tới xây dựng giá trị thương hiệu thuần về cảm tính.
Vai trò thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) của lãnh đạo trong loại hình B2B rất quan trọng, nó ảnh hưởng một cách sâu sắc và toàn diện đến văn hóa thương hiệu, động lực tăng trưởng và là linh hồn của toàn bộ công ty. Những CEO như Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm... đều là những câu chuyện thương hiệu thú vị. Họ luôn là nguồn khích lệ to lớn cho DN, thậm chí với cộng đồng DN.
DN B2B thường cung cấp những gói sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với những sản phẩm B2C thông thường. Điều này cho thấy, những phương thức quảng cáo thông thường sẽ kém hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh doanh.
Tất cả phương tiện truyền thông giao tiếp đều ít nhiều mang lại hiệu quả cho việc quảng bá thương hiệu B2B, và trong số đó website có hiệu quả nhất. Việc quản trị và xây dựng website sao cho hiệu quả sẽ giúp truyền tải những giá trị thương hiệu và thông tin có lợi một cách tập trung hơn và giảm thiểu sự phân tán của nội dung giao tiếp.
Website không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là linh hồn của một DN, phải xây dựng nó có tính tương tác để không chỉ giúp cho bản thân các thành phần trong DN hiểu nhau hơn, mà còn là sợi dây gắn kết hiệu quả với thế giới bên ngoài.

Thương hiệu mẹ

Để tránh những rủi ro do sự thiếu nhất quán về hình ảnh và thông điệp giao tiếp mô hình quản trị thương hiệu B2B thì nên đi theo mô hình thương hiệu mẹ (Master branded). Một DN B2B ở quy mô vừa và lớn đã bắt đầu có sự đa dạng về loại hình kinh doanh, ít thì 5 - 6 công ty thành viên, nhiều thì lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm, nếu không thì cũng có nhiều sản phẩm và dịch vụ phát triển từ năng lực lõi.
Từ đây chúng ta có thể thấy, việc quản trị những thông điệp nhất quán có tính tích cực cho thương hiệu sẽ nan giải thế nào, nó sẽ trở thành một cái “chợ thông tin” khi mà những giám đốc tiếp thị của những công ty thành viên, hoặc các giám đốc nhãn hiệu thường chỉ quan tâm đến những thông tin có tính lợi ích cục bộ, ngắn hạn và có tính chiến thuật nhiều hơn cho lĩnh vực hoạt động của họ.
Đối với giới học thuật và chuyên gia trên thế giới hiện vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về tính hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu B2B. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nhiều thành công của việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu B2B, trong đó Intel là trường hợp điển hình.
Về bản chất thì Intel không bán sản phẩm cho người tiêu dùng, nhưng chính quan điểm khác biệt của Intel về xây dựng thương hiệu đã đưa thương hiệu này tới chỗ xây dựng được quyền lực từ người sử dụng tác động mạnh mẽ tới người mua để bán.
Những chiến dịch quảng bá như “Look for intel inside” thực sự hiệu quả khi xây dựng được nhận thức mong muốn của người sử dụng về thương hiệu và từ đó khích lệ họ tìm kiếm những sản phẩm có “Intel inside”.
Tất nhiên, hiệu quả của truyền thông sẽ chẳng thúc đẩy được tăng trưởng kinh doanh nếu như Intel không chi những khoản ngân sách khổng lồ lên tới 60% lãi gộp hằng năm cho việc nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới có những “Giá trị thuộc tính độc đáo” hơn hẳn những đối thủ cạnh tranh.
Xây dựng thương hiệu B2B nên bắt đầu từ bên trong, khởi đầu với người lãnh đạo cao nhất của DN, nhưng quyết định sự bền vững lại nằm ở những nhân sự có ít quyền lực nhất ở trong công ty. Khái niệm “Collaborative model” (tạm dịch là mô hình cộng tác) trong xây dựng thương hiệu đã được xác định từ lâu, nhưng trên thực tế rất ít DN áp dụng triệt để.
Hollywood (Film Production), ngành kiến trúc - xây dựng là ví dụ điển hình về việc áp dụng mô hình này. Để sản xuất được bộ phim thành công cần sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ của nhiều thành viên và các đối tác liên quan, tạo thành những mắt xích có tầm quan trọng như nhau không thể tách rời, từ nhà biên kịch, đạo diễn đến diễn viên, nhà tiếp thị... đều phải có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm như nhau.
Việc thành hay bại của thương hiệu có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng dù với lý do gì đi chăng nữa thì thương hiệu B2B luôn bị “để ý” và mặc nhiên chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với những thương hiệu B2C. Với B2C, nếu một sản phẩm không thành công, chúng ta có thể thay đổi sản phẩm khác.
Những B2B thì không thể vì thương hiệu B2B liên quan chặt chẽ tới sinh mệnh của cả công ty. Nói ở khía cạnh chuyên môn thì với B2B, chiến lược thương hiệu sẽ dẫn dắt chiến lược kinh doanh là hoàn toàn có lý.
Theo DNSG

Cập nhật CSDL xuất nhập khẩu lên web


chong-that-thu-thue.jpg
Ảnh minh họa.

Cập nhật CSDL xuất nhập khẩu lên web
ICTnews – Từ 1/6, Cơ sở dữ liệu (CSDL) về Danh mục hàng hoá, biểu thuế và phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu sẽ được công bố chính thức trên website Tổng cục Hải quan www.customs.gov.vn.
Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để tăng hiệu quả quản lý chống thất thu thuế.
CSDL này được tập hợp từ Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, Biểu thuế giá trị gia tăng, với sự hợp tác của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính như Vụ Chính sách Thuế, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuế.
Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác theo một hệ thống thống nhất, lưu trữ tại trung tâm dữ liệu của Tổng cục Hải quan, CSDL nêu trên sẽ là căn cứ phân loại hàng hóa và xác định mức thuế đối với một mặt hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu trên cơ sở mã số đã tìm được cho hàng hóa đó khi phân loại hàng hóa kết hợp với thông tin từ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất mã số, mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác của mã số hàng hóa và mức thuế khai báo, nộp thuế, ấn định thuế, giải quyết khiếu nại…
Theo Quy chế thu thập, cập nhật, sử dụng CSDL do Tổng cục Hải quan ban hành mới đây, doanh nghiệp có thể tra cứu, khai thác thông tin trên website Tổng cục Hải quan về các văn bản hướng dẫn phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành (bao gồm các Danh mục quản lý theo chính sách mặt hàng do cơ quan quản lý chuyên ngành) ban hành có ghi mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; thông tin từ tài liệu của Tổ chức Hải quan thế giới và Hải quan các nước; kết quả phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đã được kiểm tra, xác minh độ tin cậy do cơ quan Hải quan chọn lọc từ thông tin trên hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết quả phân tích phân loại của Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan…
Cùng với CSDL nêu trên, để tăng hiệu quả quản lý chống thất thu thuế, Tổng cục Hải quan còn đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai chương trình phần mềm dữ liệu giá thay thế hệ thống cũ không còn phù hợp; Tăng cường kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, thanh tra việc phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế đối với hàng hoá đã thông quan và thông báo kịp thời kết quả kiểm tra, thanh tra về phân loại hàng hoá cho khâu thông quan trong thời gian sớm nhất để làm cơ sở thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện thống nhất trong toàn ngành; Xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hoá…
Xuân Bách

Thương mại điện tử là công cụ đắc lực... của DN

“Những mục tiêu của kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (2006-2010) tưởng chừng là tham vọng đã được hoàn thành trong 2010. Hiện Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi để đẩy mạnh thương mại điện tử trong 5 năm tới”. Đó là nhận định của bà Lại Việt Anh - Trưởng phòng Pháp chế và Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 được tổ chức sáng 19/4.
Theo bà Lại Việt Anh, sau 5 năm triển khai kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (2006-2010), đã có 60% DN lớn tiến hành thương mại điện tử B2B (70% thiết lập website, 95% nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 96% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh); 80% DN vừa và nhỏ tiến hành thương mại điện tử B2B hoặc B2C; 10% hộ gia đình tham gia thương mại điện tử B2C/C2C, đã ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.Về phía cơ quan nhà nước, khung pháp lý chính sách về ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ đã hình thành. Thông tin đầu thầu, mua sắm công được công bố rộng rãi trên website các Bộ ngành và UBND, các tỉnh, thành phố.
Trên thực tế, ngoài những kết quả đã đạt được như trên thì việc thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn nhất định trong tiến trình thực hiện như chỉ số xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT còn thấp, cơ sở hạn tầng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu, triển khai ứng dụng CNTT các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
“Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi để đẩy mạnh thương mại điện tử trong 5 năm tới, giai đoạn vừa qua là giai đoạn chuẩn bị, 5 năm tới sẽ là giai đoạn cất cánh” – bà Lại Việt Anh đánh giá.
Sau giai đoạn 2006-2010, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử tiến tới giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là làm cho thương mại điện tử được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Việt Nam phấn đấu tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử, trong đó 100% sử dụng thường xuyên thư điện tử trong giao dịch sản xuất kinh doanh; 80% có website, cập nhật thông tin thường xuyên; 70% tham gia các website thương mại điện tử để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; 5% tham gia các mạng kinh doanh điện tử; 20% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến; hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong nước và khu vực.
Theo bà Việt Anh, nhóm giải pháp cốt lõi để phát triển kế hoạch tổng thể này là phải dựa vào năng lực và sự nhanh nhạy của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, tổ chức hoàn thiện bộ máy ở địa phương, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ về thương mại điện tử, cần có tính ổn định trong một thời gian; xây dựng những chính sách, định hướng triển khai, bố trí cán bộ, đào tạo với cán bộ quản lý Nhà nước tại địa phương…

Hiện có 60% DN lớn tiến hành thương mại điện tử B2B (70% thiết lập website, 95% nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 96% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh)...
Đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình phát triển thương mại điện tử tại Trung Quốc, ông Sun Yan - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Thương hội Trung Quốc, chi nhánh TP.HCM cho biết, ứng dụng của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn luôn dẫn đầu các lĩnh vực khác. Tại Trung Quốc các DN xuất khẩu đã đi đầu trong các tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2010, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 12,6 tỷ USD từ Trung Quốc. Ông đặt hy vọng thương mại điện tử có thể giúp Việt Nam cân bằng lại xuất nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.Ông cũng đưa ra kiến nghị cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đó là: phải xem trọng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới; chú trọng nghiên cứu tìm hiểu lý thuyết thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với đơn vị nghiên cứu và các trường Đại học, thúc đẩy nghiên cứu lý thuyết thương mại điện tử; tích cực giao lưu hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng cơ chế hợp tác, tổ chức các buổi thảo luận xoay quanh chủ đề trọng điểm trong lý thuyết thương mại điện tử; gia công nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.
Ứng dụng thương mại điện tử và CNTT là hoạt động không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh thương mại điện tử sẽ thực sự trở thành công cụ đắc lực và hiệu quả của DN trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Theo DĐDN
Cập nhật: 22/04/2011

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes